Trung Thu Ngày Ấy Trong Tim Tôi

Ngày xưa thời chúng tôi, Trung Thu là một cái gì đó ao ước lắm, ngóng đợi, mong chờ, đếm ngược từng ngày. Có thể nói với tụi trẻ con thời đó thì Trung Thu là lễ hội to thứ 2 trong năm chỉ sau có Tết Nguyên Đán. Hãy cùng Dịch Vụ Tiện Ích nhớ lại ký ức Trung Thu tại một vùng quê xưa nhé !

1, Đồ chơi Trung Thu – Chiếc mặt nạ và sự cáu gắt của bà chủ quán.

Thời đó những món đồ chơi như búp bê, ô tô có điều khiển hay các loại máy chơi game cầm tay chỉ tụi trẻ con thành phố mới có. Bọn trẻ chăn trâu ở quê như chúng tôi thì đâu có cơ hội được nhìn được ngắm hay được chạm vào đâu. Chính cái sự khan hiếm đồ chơi như vậy đã khiến cho chúng tôi mong mỏi Trung Thu hơn bao giờ hết. Vì chỉ Trung Thu tới thì bà bán tạp hóa ở giữa làng mới nhập những thứ đồ chơi xịn. Như mặt nạ Tôn Ngộ Không, mặt nạ Trư Bát Giới và đủ các loại mặt lạ khác nhau về.

Mặt nạ Trung Thu
Mặt nạ Trung Thu

Hồi đó để sở hữu được một cái mặt nạ là cả một chiến tích. Vì ngoài việc phải thật chăm chỉ làm những việc nhà như quét nhà, quét sân… để được bố mẹ cho tiền mua. Việc săn đúng ngày “Hàng Về” cũng vất vả không kém. Cứ độ qua rằm tháng bảy. Hầu như ngày nào quán tạp hóa to nhất làng cũng đón tiếp vài chục lượt những thằng nhóc như chúng tôi vào hỏi mua mặt nạ. Hỏi liên tục, hỏi suốt ngày hỏi tới mức bà chủ quán phải gắt lên với vẻ mặt đầy cau có : “Hỏi gì hỏi nhiều thế, đã Trung Thu đâu mà có mặt nạ

Ấy vậy mà vừa quát vừa đuổi một đám nhóc xong. Cơ độ chục phút sau lại đám nữa nhào tới hỏi. Thành ra bà ấy cũng quen và nảy ra cái ý rất hay. Viết ngay cái bảng thật to treo ở ngay gốc me trước cửa đề rõ :

 “ Chưa có mặt nạ, đừng hỏi nhiều, khi nào có sẽ thông báo ”

2, Lý do sâu xa khiến bà chủ quán bực mình.

Sở dĩ chúng tôi hỏi nhiều tới mức bị gắt như vậy cũng có lý do. Ngày đó mặt nạ là một thứ đồ chơi gần như đứa nào cũng muốn phải có cho bằng được vào đêm Trung Thu. Nhưng đó là mặt nạ Tôn Ngộ Không, Sư Phụ hoặc Ngưu Ma Vương. Cái mặt nạ Bát Giới là không thằng nào thèm mua. Mà khi mua hàng thì bà chủ thường nhập cả lô. Số lượng các loại là như nhau nên nếu không căn ngày mà mua nhanh thì kiểu gì cũng vớ phải cái mặt nạ Trư Bát Giới. Để rồi khi đeo lên cả đám sẽ trọc là đồ Ngu như Lợn hay đồ Tham Ăn như Bát Giới.

3, Phát bánh kẹo Trung Thu

Hồi đó làng tôi có phong trào phát quà bánh cho trẻ con ở sân kho. Hoặc nhà của một bác cán bộ làng nào đó. Quà bánh thì đủ các loại và to bé. Còn nhiều hay ít là do số tiền mà các bác cán bộ làng đi quyên góp được của mọi nhà trong làng. Thường thường độ mùng mười tháng tám âm lịch là các bác cán bộ làng sẽ chia thành hai hoặc ba nhóm. Đi khắp các nhà trong làng để quyên góp tiền mua quà bánh tổ chức Trung Thu cho các cháu. Nhà nhiều thì mười ngàn, năm ngàn. Nhà ít thì một ngàn hai ngàn. Tiền bạc ít hay nhiều không quan trọng mà quan trọng là tình cảm của mọi người trong làng.

Rước đèn trung thu
 Trung thu

Đúng chiều hôm rằm (mười lăm tháng tám âm lịch). Loa phát thanh của làng sẽ lên thông báo để gọi tụi trẻ con trong làng ra nhận quà. Nói là vậy nhưng kỳ thực chúng tôi đã đóng đô ở cổng sân kho từ đầu giờ chiều rồi, đâu có cần đợi loa thông báo đâu. Đóng đô ở đó chơi đùa và đợi cỡ độ ba giờ chiều. Cả bọn mò vào nhận quà. Quà sẽ là một túi nilon đầy bánh kẹo bên trong. Túi của đứa nào cũng như đứa nào, bằng nhau hết. Chúng tôi thích lắm. Nhận quà xong có đứa thèm quá bóc ăn luôn tại chỗ hoặc vừa đi vừa ăn. Còn riêng tôi năm nào lấy quà xong là cũng xách thẳng về nhà cất đi đợi đến tối. Chờ khi có trăng lên mới ăn.

4, Làm Kỳ Lân

Mải chuyện ăn uống quá mà quên kể chuyện múa lân. Trung Thu mà không có múa lân thì không thể gọi là Trung Thu. Ở thành phố mọi người có múa lân, múa sư tử, múa rồng. Quê tôi thì chỉ có duy nhất múa Kỳ Lân. Lân ở quê tôi là đầu một con thú có cái sừng dài và cong về phía trước. Hai cái mang bạnh to hết cỡ ra hai bên. Kỳ lân được tạo hình bằng việc uốn cong các thanh cây dùng (tre dùng, loại tre thẳng tắp, mỏng). Sau đó cố định lại và dán giấy phía bên ngoài.

Giấy dán Kỳ Lân đa số được tận dụng từ các quyển sách, quyển vở cũ. Và để che đi những dòng chữ chằng chịt trên đó cũng như để làm cho đầu Kỳ Lân đẹp. Chúng tôi dùng sơn để sơn lên đó. Sơn đủ các loại màu nhưng đa số là màu đỏ, màu đen và màu vàng. Những chiếc Kỳ Lân sau khi sơn xong nhìn gớm giếc lắm. Có lẽ cũng vì cái sự gớm ghiếc đó mà chúng sẽ bị đốt ngay trong đêm rằm.

Múa lân
Múa kỳ lân

5, Múa Kỳ Lân

Trong một làng thường có nhiều đội Kỳ Lân. Thanh niên, lũ choai choai, tụi trẻ con mỗi nhóm thường có vài đội là ít. Ngày đó múa Kỳ Lân vui là chính chứ không chuyên nghiệp như bây giờ. Một đội múa sẽ gồm 2 – 3 đứa múa chính, một thằng gõ, hai đứa khiêng trống (thường là cái can nhựa hoặc cái thùng tôn đựng nước của mẹ). Một đứa làm Mẹ Mọi (quê tôi gọi Ông Địa là Mẹ Mọi) và một nhóm những đứa đi theo cổ vũ.

Thế rồi cứ mặc định là cả đám sẽ đi hết từ làng trên xóm dưới. Cứ nhà ai không khóa cổng là sẽ vào múa và xin tiền. Đầu tiên sẽ múa nhà của những đứa trong đội Kỳ Lân trước. Sau đó tới họ hàng và hàng xóm, hết lượt. Thù lao sau những màn múa đó là một ngàn, năm ngàn nhưng nhiều nhất là hai ngàn. Có những nhà một tối phải tiếp nhiều đoàn vào quá khiến họ cho tiền luôn ngay lúc chúng tôi vào. Cho dù cả ekip còn chưa chuẩn bị xong để bắt đầu. Vào những nhà đó thích lắm. Chẳng cần múa mà cũng có tiền.

6, Liên hoan đội Kỳ Lân

Hết tối ngày rằm là chúng tôi sẽ tới một góc đường vắng. Đốt đầu Kỳ Lân với quan niệm tránh mang theo xui xẻo về nhà. Bên ánh lửa bập bùng cộng với ánh trăng tròn vạnh của đêm rằm, chúng tôi đếm tiền. Lúc này cái đứa đeo túi tiền cả nhóm. Nó sẽ mang tiền của mấy ngày múa Kỳ Lân (thường là ba ngày mười ba, mười bốn, ngày rằm). Mang ra để cả bọn xếp tiền và đếm xem thu được bao nhiêu. Năm trăm xếp với năm trăm, một ngàn xếp với một ngàn. Hai ngàn xếp với hai ngàn còn năm ngàn và mười ngàn xếp chung vì chúng ít quá.

Những món tiền tuy nhỏ nhưng cũng là sự cố gắng, là tinh thần đoàn kết của cả nhóm. Chúng tôi vui lắm. Số tiền này sẽ được dành để liên hoan. Nếu ít thì ăn một bữa còn nếu nhiều thì ăn hai, ba bữa…

Trung Thu ngày xưa của chúng tôi như thế đấy !

 Cám ơn quý khách đã tin tưởng và ủng hộ !

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *